Mẹo ăn uống giúp trẻ tăng đề kháng khi trời rét

giup-tre-tang-de-khang-khi-troi-ret

giup-tre-tang-de-khang-khi-troi-ret

Ngày 25/12, TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ cao hơn nhiều vì một phần bị tiêu hao để giữ ấm cơ thể. Phụ huynh lưu ý chế độ ăn uống giúp trẻ không bị đói và mất sức, nâng cao khả năng chịu lạnh và sức đề kháng với nhiệt độ thấp.

Uống đủ nước

Uống đủ nước, thường xuyên và đều đặn mỗi ngày giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhịp nhàng. Đây là dung môi giúp hòa tan và vận chuyển các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm tình trạng táo bón. Nước còn là yếu tố quan trọng giúp tim hoạt động hiệu quả và vận chuyển oxy trong máu đi nuôi cơ thể. Đặc biệt, thông qua quá trình toát mồ hôi và loại bỏ các chất dư thừa bằng đường tiêu hóa, nước giúp cơ thể thải độc tố.

Khi đã bị viêm hô hấp, uống đủ nước giúp giảm các triệu chứng ho, làm loãng chất nhầy, giảm ứ đọng, thúc đẩy dịch đờm thoát ra ngoài dễ dàng, làm sạch họng.

Lượng nước cần cho trẻ khỏe mạnh uống mỗi ngày ước lượng 100 ml nước/1 kg cân nặng. Ví dụ, trẻ 10 kg cần uống 1.000 ml nước mỗi ngày. Trẻ 11-20 kg nên dùng 1.000 ml nước/10 kg đầu + 50 ml/1kg cân nặng tăng thêm. Lượng nước này bao gồm cả nước sữa, nước lọc, nước trong bữa ăn.

Khẩu phần ăn lành mạnh, cân bằng

Ăn đủ các bữa trong ngày gồm 3 bữa chính và có thể thêm một đến hai bữa phụ với các món ấm nóng như súp, canh bổ dưỡng, các loại bánh hấp, chiên. Cung cấp đủ các nhóm chất bao gồm chất đường bột, chất đạm, chất béo, đặc biệt là vitamin và khoáng chất. Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm và trong một bữa nên có 10-12 loại. Đặc biệt, nên ưu tiên cung cấp đủ các dưỡng chất quan trọng, hỗ trợ hệ miễn dịch như đạm, sắt, kẽm, selen và vitamin A, C, E, D.

Với nhóm chất đạm, đây là nguyên liệu thiết yếu hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch. Do đó, nên chọn những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và kết hợp cả đạm động vật (trứng, sữa, thịt, tôm, cá) và đạm thực vật (các loại đậu). Trung bình, trẻ cần được bổ sung khoảng 2 gram chất đạm/kg cân nặng mỗi ngày.

Trẻ cũng cần được cho ăn rau quả, tùy vào độ tuổi sẽ cần tiêu thụ lượng rau củ quả khác nhau từ 100 đến 300 gram, với cách chế biến phù hợp.

Hàm lượng chất xơ, vitamin và các khoáng chất có được từ đa dạng các loại rau xanh, củ quả sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng hấp thu các chất dinh dưỡng, củng cố chức năng của hệ miễn dịch.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin A bao gồm các loại rau xanh lá (rau chân vịt, cải xanh, rau ngót, cải ngọt), trái cây củ quả có màu vàng cam (cà rốt, ớt chuông, bí ngô, cà chua). Ngoài ra, cần chú trọng các thực phẩm cung cấp vitamin C (ổi, bưởi, cam, quýt), vitamin D (trứng, bơ, sữa, gan động vật, nấm, đặc biệt từ ánh nắng mặt trời) để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Các vi sinh vật có nguồn gốc từ thực phẩm cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt trong thời điểm giao mùa. Nên ưu tiên “mùa nào thức đấy”, chọn những thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc. Sơ chế và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi. Sau chế biến, nên che đậy và bảo quản đồ ăn cẩn thận, không ăn những thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu.

Xây dựng lối sống lành mạnh để trẻ duy trì sức khỏe. Chú ý giữ ấm cơ thể và bảo vệ hệ hô hấp. Mặc quần áo đủ ấm, sử dụng khăn choàng cổ, khẩu trang để giữ ấm vùng mũi, cổ họng và ngực, giúp cơ thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Đồ uống và thức ăn ấm nóng cũng rất hữu ích để hạn chế các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Luyện tập thể thao thường xuyên, 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 buổi mỗi tuần để duy trì sức khỏe tốt. Lưu ý, nên chuẩn bị quần áo đủ ấm, lưu không khí tốt và khởi động kỹ trước khi tập luyện.

Lê Nga

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *