8 đại học Australia rút thư mời nhập học của du học sinh
Đại học Western Sydney, Macquarie, Wollongong, Latrobe, Deakin, Central Queensland, Edith Cowan và trường Kinh doanh Kaplan (KBS) gần đây gửi thông báo hủy nhập học hoặc yêu cầu rút đơn nhập học tới các du học sinh và đại lý tuyển sinh. Các trường cho biết sẽ hoàn trả toàn bộ phí mà ứng viên đã đóng.
“Ngày nhập học sắp đến, nhưng bạn vẫn chưa nhận được thị thực sau thay đổi của chính phủ. Trường xác định bạn khó đáp ứng tiêu chí thị thực mới nên thư nhập học của bạn đã bị hủy”, trích email của Đại học Wollongong, trả lời một thí sinh nộp đơn vào ngành Điều dưỡng.
Điều này được cho là bắt nguồn từ quy định xếp hạng đại học theo mức độ rủi ro, nằm trong chính sách nhập cư mới của Bộ Nội vụ Australia, công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Căn cứ vào dữ liệu sinh viên theo học trước đó vi phạm quy định về thị thực, các đại học được xếp vào ba nhóm. Trong đó, du học sinh vào những trường nhóm 1 sẽ được ưu tiên khi nộp đơn. Với các trường ở mức 2 và 3, việc xử lý đơn xin cấp thị thực sẽ chậm hơn, yêu cầu chứng minh thêm một số thông tin như khả năng tiếng Anh và tài chính.
Danh sách cụ thể như sau:
Nhóm | Tên cơ sở giáo dục đại học |
1 | Đại học Quốc gia Australia, Canberra, Australian Catholic, Macquarie, Western Sydney, New South Wales, Sydney, Công nghệ Sydney, Bond, Griffith, Công nghệ Queensland, Queensland, Nam Australia, Sunshine Coast, Adelaide, Deakin, Monash, RMIT, Công nghệ Swinburne, Melbourne, Curtin, Murdoch, Notre Dame Australia, Western Australia WA |
2 | Đại học Charles Sturt, Southern Cross, Wollongong, New England, Newcastle, Charles Darwin, Central Queensland, James Cook, Southern Queensland, Flinders, Torrens, Tasmania, Latrobe, Victoria, Edith Cowan |
3 | Đại học Liên bang Australia |
Hiện tại, 18 đại học trong nhóm 2 và 3. Bảng này dự kiến được cập nhật trong tháng 3 hoặc tháng 4 tới, khiến nhiều đại học lo lắng, theo đại diện Hiệp hội giáo dục Australia tại Ấn Độ (AAERI).
Vì vậy, để bảo vệ danh tiếng, nhiều trường đã hủy thư mời nhập học của ứng viên, chủ yếu với du học sinh đến từ Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Đây là nhóm có tỷ lệ bị từ chối thị thực cao. Trong nửa cuối năm 2023, tỷ lệ đậu thị thực của du học sinh Pakistan giảm 37%, Ấn Độ 39% và Nepal 52%.
“Họ cảm thấy cần phải rút lại, đề phòng thị thực bị từ chối thêm sẽ dẫn đến mức độ rủi ro cao hơn”, chủ tịch AAERI, Nishi Borra, cho biết, nói thêm rằng thị thực bị từ chối không phải vì gian lận, mà có thể do nhà chức trách nghi ngờ ý định của sinh viên khi đến Australia.
Australia từ tháng 7 năm ngoái có nhiều động thái siết thị thực với sinh viên quốc tế, sau khi tung ra loạt chính sách thông thoáng để thu hút lao động sau dịch Covid-19. Dữ liệu thống kê từ Bộ Nội vụ cho thấy, khoảng 19% du học sinh không được cấp thị thực trong nửa cuối năm 2023, cao nhất trong ba năm qua.
Đến tháng 12/2023, nước này công bố kế hoạch nhằm giảm một nửa lượng người nhập cư trong hai năm tới. Yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh với du học sinh theo chương trình cử nhân tăng từ 5.5 lên 6.0 IELTS, với hệ sau đại học, yêu cầu là 6.5 thay vì 6.0. Ngoài ra, du học sinh phải làm bài kiểm tra mới có tên The Genuine Student Test (Bài kiểm tra sinh viên chân chính – GST), thay thế cho bản tường trình nhập cảnh tạm thời (GTE) cũ, nhằm đảm bảo thị thực được sử dụng cho mục đích học tập. Ngoài ra, đơn xin thị thực lần hai của sinh viên nhằm kéo dài thời gian lưu trú sẽ bị giám sát chặt hơn.
Australia hiện là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng nhất thế giới, sau Mỹ và Canada. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia, tính đến tháng 10 năm ngoái, nước này có khoảng 768.000 sinh viên quốc tế, đông nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal. Việt Nam có hơn 31.000 du học sinh ở đây, xếp thứ 6.
Doãn Hùng (Theo The Age, The Pie News, THE)