Học ‘nặng’ hay ‘nhẹ’?

hoc-nang-hay-nhe

Các câu hỏi từ cha mẹ vẫn là làm sao để con học được “nhiều nhất” và không thua kém “con nhà người ta”: “Con được học chương trình gì? sách vở gì? Liệu có thi được các cuộc thi quốc gia không? Có thi được các chứng chỉ quốc tế không? Có thi được vào các Đại học công lập tốp đầu không? Con có thi được vào trường chuyên, lớp chọn không? Tại sao trường tổ chức nhiều trải nghiệm ngoài học tập trên lớp thế? Tăng thời lượng học được không? Chương trình nhẹ quá con không thi được thì sao?”.

Những câu hỏi ở chiều ngược lại rất hiếm khi được quan tâm như: “Con có khả năng hình thành được những năng lực gì khi học? Con có thích và tự giác học tập không? Con có sử dụng được những gì đang học không? Con có thể tự tìm hiểu và xây dựng lộ trình trong học tập như thế nào? Con sẽ tham gia những hoạt động gì để phát triển năng lực tư duy và chủ động học hỏi? Làm thế nào để con chủ động quyết định các lựa chọn học tập của mình?”.

Thực tế, thế giới con em chúng ta đang và sẽ sống rất khác với kinh nghiệm mà cha mẹ đã biết. Khả năng của Chat GPT là một ví dụ điển hình. Trí tuệ Nhân tạo (AI) thậm chí có thể tự học, tự tư duy và đưa ra cách giải quyết vấn đề tổng quát hơn người thật. Ngay cả ở Việt Nam, Chương trình phổ thông quốc gia mới 2018 cũng đang đi theo định hướng phát triển năng lực thay vì chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng như chương trình cũ với các kỳ thi kiểm tra kiến thức được khoanh vùng, “luyện tủ”.

Đây chính là chương trình mà bao thế hệ phụ huynh đã trải qua và đa số vẫn giữ nhận thức như vậy để áp dụng cho việc giáo dục con cái, coi trọng khối lượng kiến thức và luôn đặt vấn đề chương trình học phải đủ “nặng, sâu, dày dặn, tối đa” để đạt kết quả cao trong các kỳ thi kiểu “truyền thống”.

Con em chúng ta khi bước vào thế giới việc làm sau mươi mười lăm năm nữa sẽ cần chuẩn bị những gì để chung sống với những AI có tốc độ xử lý thông tin mạnh mẽ gấp triệu lần con người? Một khối lượng kiến thức “càng dày càng tốt” có hợp lý không? Thước đo nào cho mục tiêu “phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng” thực sự của con?

Con người sẽ phát triển tốt nhất và đạt khả năng cao nhất khi được tự do về tinh thần. Điều đó bắt đầu từ việc không bị áp đặt, đóng khung về tư duy phải học, phải luyện những gì do người khác áp đặt. Tự lựa chọn trên sự hiểu biết và nhận thức của mình, có động lực của chính mình, mới là con đường phát huy tối đa năng lực.

Trẻ em sẽ cần phải tự học hỏi để hình thành các năng lực thay vì học thuộc, sao chép. Các em cần được cung cấp các phương tiện và được hướng dẫn các phương pháp học hỏi, trải nghiệm và thực hành, và cuối cùng là ứng dụng những điều đã học vào thực tế. Khi các em thấy được ý nghĩa của từng trải nghiệm và cả những khó khăn cũng như mâu thuẫn trong từng bài học, trẻ sẽ hình thành được những năng lực thực chất nhất. Khi tự mình học và hiểu, các con sẽ có động lực mạnh mẽ và tự giác, hướng tới đạt được mục tiêu mà không cần ép buộc của nhà trường, cha mẹ.

Con gái lớn của tôi đã sang tuổi 22 và đang học năm cuối đại học ở một ngành có mức độ cạnh tranh cao nhất: Khoa học Dữ liệu (Data Science). Cả hai con của tôi đều không theo học trường chuyên lớp chọn nào dù đủ khả năng cạnh tranh. Vợ chồng tôi hầu như chưa bao giờ có khái niệm “ngồi kèm con học” mà thay vào đó là cùng con trò chuyện, trao đổi về những gì con thích học, về ý nghĩa của những học hỏi đó, về kế hoạch cần làm để đạt được những mục tiêu con mong muốn.

Hiện tại, dù con ở cách xa gia đình nửa vòng trái đất, tôi chưa bao giờ nhắc con việc học. Theo thói quen, con vẫn trao đổi với bố mẹ hàng ngày về những niềm vui khi học được những điều mới mẻ, có thể ứng dụng.

Những môn học, dự án, hoạt động đem lại cho trẻ niềm vui và khao khát hiểu biết có ý nghĩa hơn một chương trình “nặng” về khối lượng nhưng lại “nhẹ” về giá trị đối với sự phát triển của mỗi cá nhân.

Lê Tuệ Minh

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *