Phân biệt trường mầm non công lập, dân lập và tư thục
Điều lệ Trường Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định như sau:
Trường mầm non, trường mẫu giáo (sau đây gọi chung là nhà trường), nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được tổ chức theo các loại hình: công lập, dân lập và tư thục.
– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo công lập do cơ quan Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.
– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Từ quy định này và một số quy định khác tại Điều 3 Quyết định 14/2008/QĐ-BGDĐT Cùng Giáo dục trẻ thơ tìm hiểu & phân biệt trường mầm non công lập, dân lập và tư thục thông qua bảng sau đây:
Tiêu chí | Trường mầm non công lập | Trường mầm non dân lập | Trường mầm non tư thục |
Người thành lập | Cơ quan Nhà nước | Cộng đồng dân cư ở cơ sở | Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân |
Kinh phí thành lập, hoạt động, đầu tư | Do Nhà nước bảo đảm | Do cộng đồng dân cư ở cơ sở bảo đảm và được chính quyền địa phương hỗ trợ | Do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân bảo đảm ngoài ngân sách nhà nước |
Cấp quản lý | Ủy ban nhân dân cấp quận/ huyện | Ủy ban nhân dân cấp quận/ huyện | Ủy ban nhân dân cấp quận/ huyện |
Thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập | Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận/ huyện | Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận/ huyện | Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận/ huyện |
Thẩm quyền cho phép hoạt động | Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp quận/ huyện | Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp quận/ huyện | Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp quận/ huyện |
Tóm lại: điểm khác biệt cơ bản của ba loại hình này nằm ở cơ quan thành lập và nguồn vốn thành lập, hoạt động và đầu tư.