Kiểu dạy con ngược đời của bà mẹ Hà Nội

day-con

Hồi ấy, thành tích của Nhật Long luôn thuộc ”tốp 5 từ dưới lên” dù mẹ đã thuê nhiều gia sư kèm cặp. ”Tôi thấy con chỉ hứng thú với môn Sử, trong khi chương trình giáo dục thì yêu cầu phải học tốt tất cả môn”, chị Nguyễn Thu Trang, 46 tuổi, ở quận Hà Đông nói.

 

Chị Trang ở sảnh chung cư đnag sống tại Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Nga

Với quan điểm không đặt nặng thành tích, miễn là con thành người tử tế nên khi các bạn con hối hả ôn luyện vượt cấp, chị cho Nhật Long nghỉ học.

Quyết định của chị khiến cả nhà hoảng loạn. Ông bà ngoại nín thở chờ đợi. Bà nội khóc lóc với con dâu không được, nhờ con trai tác động cũng không xong, nhờ những người có tiếng nói trong họ hàng tác động vẫn không có kết quả. Bạn bè chị cũng khuyên không nên cho Nhật Long nghỉ học, thậm chí mắng chị ”là người mẹ trần đời có một”.

Nhưng chị Trang cương quyết giữ quan điểm ”thà học chậm một vài năm còn hơn hỏng cả đời”.

Ngày các bạn đi thi, cậu bé Nhật Long bồn chồn không yên. ”Giá như con chịu học hơn một chút thì giờ đã có thể ngồi trong phòng thi cùng các bạn”, Long kể. Vài ngày sau, cậu con trai rụt rè xin mẹ “nếu không cho con học cấp 3 thì cho đi học nghề”.

”Có chịu học không hay lại phí tiền của tôi?”, chị hỏi. Long lập tức đáp “Có”.

Sau khi đến trường cao đẳng nghề tìm hiểu cơ sở vật chất, chị đồng ý sẽ cho đi học tiếp với điều kiện “nếu để nhà trường mời bố mẹ đến vì bất cứ lý do gì hay chỉ cần một cuộc gọi hay thư mời của giáo viên”, Nhật Long phải lập tức nghỉ học.

Thực ra đây không phải lần đầu chị Trang có quyết định dứt khoát như vậy. Đợt biết kết quả thi giữa kỳ năm lớp 9 của Nhật Long quá tệ, con lại có tư tưởng ”đi làm sướng hơn đi học”, chị cho con nghỉ học một tuần đi làm.

Người mẹ hứa nếu con thấy đi làm là hạnh phúc sẽ xin việc cho luôn. Nhật Long được phép ở nhà của bố mẹ đến hết 18 tuổi, sau đó sẽ phải ra ngoài thuê trọ để tự lập. Lúc đó con trai rất hào hứng.

Hôm sau, chị nhờ bạn đưa con đến công ty nhận việc xúc phôi thép vào thùng. Công việc không nặng nhọc, cậu bé thậm chí thích thú vì được quen rất nhiều cô chú. Tối đó, chị đề nghị con lấy giấy bút liệt kê các khoản chi tiêu cố định trong tháng của gia đình để biết mỗi ngày phải kiếm được tối thiểu bao nhiêu tiền. Nhật Long lờ đi, nhưng có vẻ trầm tư hơn.

Sang ngày thứ hai, Nhật Long được dẫn đi cưa cây, đẩy xe vật liệu. Sang ngày thứ ba, cậu bé lớp 9 được dẫn đi sơn sản phẩm. Ngày thứ 4, thứ 5, các cô chú trong công ty không còn sát sao chỉ dẫn mà để cậu bé tự làm. Cảm giác bơ vơ, mệt mỏi bắt đầu khiến Nhật Long chán nản. Cậu xin mẹ cho đi học lại nhưng chị Trang nhất quyết bắt đi làm đúng một tuần như thỏa thuận.

Thấy cháu nội học cuối cấp mà phải nghỉ học cả tuần đi làm, bà Nhật Long định can thiệp. ”Chậm một tuần không sao. Chậm cả năm cũng được mẹ ạ. Quan trọng là nó phải thấy hạnh phúc khi được đi học”, chị nói với mẹ chồng.

”Mẹ ơi, con đi làm một tuần, thì thứ Năm con đi học lại được chưa ạ?”, Long hỏi mẹ. “Nếu muốn con vẫn có thể đi làm hết tháng”, mẹ cậu đáp. ”Không, con muốn đi học rồi, thứ Năm là tròn một tuần, mẹ cho con đi học lại”.

Buổi sáng ngày đi học lại, cậu dậy sớm hơn bình thường, mặc đồng phục, ăn sáng, chờ đến 6h30 để đến lớp.

Sau hai lần bị cho nghỉ học giữa chừng, Nhật Long hiểu mẹ đã nói là làm. Ba năm đi học trường nghề, cậu không còn chểnh mảng như trước. Để đồng hành cùng con trong môi trường ”có phần phức tạp hơn”, chị Trang tham gia vào hội phụ huynh của lớp và thường xuyên trao đổi với cô giáo hơn. ”Nhờ vậy, ba năm trường nghề của con trôi qua bình yên”, chị nói.

Không những vậy, Nhật Long còn xin mẹ cho tiền đi ôn để thi đại học. ”Đầu tư bao nhiêu năm mà con không học, giờ mẹ không có tiền”, chị đáp. ”Thế con tự ôn, nếu thi đỗ mẹ cho con đi học nhé”, Nhật Long hỏi mẹ. ”Được, thi được mẹ nuôi cho học thêm bốn năm nữa”, mẹ cậu đáp.

Không có tiền học thêm, cậu lên mạng tìm các nhóm rủ nhau cùng ôn, nhờ các anh chị trong CLB hiến máu mà mình tham gia kèm cặp. Năm đó, Nhật Long thi đỗ khoa Công tác xã hội của trường ĐH Công Đoàn với số điểm 22,25.

Không chỉ cứng rắn với con trai, chị Trang cũng chặt chẽ với cả con gái Nhật Hà.

Đầu năm nay, Nhật Hà vào lớp 10, xin mẹ cho đi học thêm môn Văn để cải thiện thành tích, nhưng chị Trang phản đối. Chị yêu cầu con tự học, tự tìm tài liệu và nghiên cứu chứ không đi học thêm chỉ để phục vụ thi. ”Văn phải dùng cả đời, không tự nỗ lực để có dấu ấn của riêng mình thì sau có cố mấy cũng khó thành công”, chị nói với con. Dẫu nhờ được bố nói thêm, Nhật Hà vẫn không được mẹ duyệt chi.

Dứt khoát nhưng đồng thời chị Trang cũng để các con tự đưa ra quyết định. Chị không biết con gái học lớp nào, không cấm con xin nghỉ học đi đá bóng hay đi chơi, miễn cam kết đảm bảo việc học. Chị quan điểm tuổi học trò không tránh được những lúc nghịch ngợm, nên nhắc con ”có thể vi phạm quy định nhưng không được làm gì trái đạo đức”. ”Đương nhiên, con phải nhớ không gây ảnh hưởng đến giáo viên và thành tích lớp”, chị dặn con.

“Bạn bè đều bảo em có một người mẹ hiếm thấy. Nhiều lúc em cũng nói mẹ có thể khó tính chút được không”, Nhật Hà, con chị nói.

Giờ không phải đốc thúc con học hành, nhưng thành tích của Nhật Long và Nhật Hà đều khiến người mẹ hài lòng. Nhật Hà luôn có thành tích học tập ở top đầu của lớp, Nhật Long gần đây còn tham dự Đại hội đồng S.MUN 2024, phiên họp giả định, được phát triển dựa trên chương trình mô phỏng theo các kỳ họp của Liên Hợp Quốc. Dù không đạt giải nhưng cậu lưu loát nói trước đám đông và học cách không bỏ cuộc.

”Lần sau con sẽ lại tham dự S.MUN”, cậu cười khi thông báo kết quả với mẹ.

Với hai đứa trẻ, cách dạy dỗ của mẹ có phần đi ngược số đông nhưng giúp chúng lớn lên vui vẻ, bình thường như mọi cha mẹ mong cho con mình.

Phạm Nga

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *