Trầm cảm – hậu quả đè nặng con cái khi bố mẹ ly hôn

tram-cam-o-tre-em

Bố Ngân là người vũ phu, mỗi lần say xỉn, ông chửi bới, đập phá đồ đạc, đánh bạn đời. Chứng kiến xung đột nhiều lần, cô bé chỉ biết bịt tai, âm thầm khóc. Vượt quá giới hạn chịu đựng, Ngân và mẹ rời khỏi nhà, cắt đứt liên lạc với người bố.

Từ khi gia đình ly hôn, câu nói Ngân bị ám ảnh từ bạn bè là: “Đồ không có bố”. Mẹ Ngân một mình gồng gánh nuôi con, thêm sang chấn tinh thần từ cuộc hôn nhân cũ, dần có biểu hiện trầm cảm, sống thu mình, không giao tiếp, mất ngủ. Ngân thức trắng nhiều đêm chăm sóc mẹ, dùng chất kích thích để tỉnh táo hơn.

Khi sức khỏe của mẹ dần ổn định cũng là thời điểm cô gái bị mất ngủ kéo dài, bắt đầu xuất hiện ảo thanh với tiếng nói lạ lẫm trong đầu. Ngân thường xuyên ngồi trong góc tường nói chuyện một mình, khi thì im lặng vẽ tranh với những hình ảnh kỳ dị, lẩm bẩm: “Đừng đánh đập tôi”. Đỉnh điểm, nữ sinh lấy kim đâm vào cơ thể để giải tỏa cảm xúc.

Em được mẹ đưa đến Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM điều trị. Sau khi được bác sĩ hỏi thăm, cô gái không thừa nhận bệnh, liên tiếp nói rằng: “Con không có bệnh”. Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Khoa Tâm thể, xác định Ngân mắc trầm cảm nặng với triệu chứng loạn thần, phải điều trị thuốc và kết hợp liệu pháp tâm lý.

5 năm trước, cha mẹ Tùng, 15 tuổi, ở Tây Hồ (Hà Nội), chia tay trong sự ghen tuông của người bố và nỗi ấm ức của người mẹ. Mẹ Tùng là nội trợ, không có việc làm, tài sản, nên không thể giành quyền nuôi con. Tùng ở với bố, thường xuyên chịu những trận đánh đập, chửi mắng, đồng thời người bố cấm không được gặp mẹ. Cậu bé hay ngơ ngác, buồn rầu, không lanh lợi, tươi cười như bạn bè cùng tuổi.

Tháng 5, em được bà đưa đến Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương trong tình trạng mất ngủ, thu mình, không giao tiếp, thi thoảng lo sợ, hoảng loạn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm kèm rối loạn lo âu, phải điều trị thuốc và các liệu pháp tâm lý.

Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là chứng rối loạn tâm lý phổ biến, có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, khó hòa nhập với xã hội, rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tự hạ thấp giá trị bản thân. Ở mức độ nghiêm trọng, trầm cảm có thể khiến trẻ có xu hướng suy nghĩ về cái chết, tự tử.

Năm 2022, Bộ Y tế thống kê tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần trên toàn quốc là 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Trẻ phải trải qua tuổi thơ bất lợi như bố mẹ ly hôn là một trong nguyên nhân quan trọng gây trầm cảm, theo thạc sĩ tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.

Khi gia đình tan vỡ, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý như thay đổi của cảm xúc, tâm trạng, sự gia tăng của các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sử dụng chất, nguy cơ tự tử cũng như các vấn đề kết nối trong cuộc sống. Đơn cử, một tuổi thơ bất hạnh có thể thay đổi các yếu tố sinh học, khiến hệ thống điều hòa cortisol của cơ thể trục trặc, gây stress mãn tính. Bên cạnh đó, những trải nghiệm quá khứ bất lợi khiến trẻ phát triển niềm tin lệch lạc về bản thân, gia đình, bạn bè và tương lai, luôn cảm thấy tiêu cực và bất lực trước những thách thức cuộc sống.

Hai nhà tâm lý Joan B.Kelly ở Corte Madera và Robert E. Emery, Đại học Virginia (Mỹ), trong một bài báo đã kết luận những người lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn có xu hướng gặp khó khăn với các mối quan hệ, khó thân thiết với người khác khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn.

Để phòng ngừa các rối loạn tâm thần ở trẻ, chuyên gia khuyến cáo tốt nhất bố mẹ nên xây dựng một tuổi thơ hạnh phúc cho con, trong đó đứa trẻ được hỗ trợ để xây dựng năng lực cảm xúc và có gắn kết vững vàng với người chăm sóc. Đây là những nhân tố quan trọng giúp xây dựng tinh thần dẻo dai, khả năng phục hồi trước những biến cố cuộc sống cho trẻ.

Nếu bố mẹ ly hôn, cần chuẩn bị một tiến trình thông báo đến con như bước đệm, có thể nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Tiến trình này là sự đối thoại trực tiếp, rõ ràng của các thành viên giúp con hiểu và có sự chuẩn bị. “Các con, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần hiểu mình không phải lý do làm cho bố mẹ ly hôn”, bác sĩ nói.

Cha mẹ có thể làm một số việc để giảm thiểu tác động tới con cái như nhắc nhở trẻ: “Cha mẹ sẽ luôn yêu thương con, dù không còn ở bên nhau”, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ và nuôi dưỡng tốt nhất, cố gắng duy trì cuộc sống bình thường cho trẻ.

Sau ly hôn, không được tước quyền thăm nom của bên kia, mà hợp tác hết mức có thể. Đặc biệt, không được phép để con tham gia vào cuộc đấu tố của đôi bên, không nói xấu đối phương, tranh luận vấn đề nuôi dạy trước mặt trẻ.

Nhiều trẻ ám ảnh với những cuộc cãi vã của bố mẹ, phát sinh các vấn đề tâm lý.  Ảnh: Straitstimes.

“Cách quan trọng nhất để giảm thiểu tổn hại về mặt cảm xúc là đảm bảo rằng trẻ duy trì mối quan hệ chặt chẽ và an toàn với cả cha và mẹ”, bác sĩ Thiện cho hay. Cha mẹ và cả con cũng cần nhận được sự giải thích, tư vấn phù hợp được thực hiện bởi những cá nhân có chuyên môn. Những hỗ trợ của người thân, bạn bè, nhà trường và xã hội cũng vô cùng cần thiết ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trong trường hợp con có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm, phụ huynh cần lắng nghe và hiện diện cùng con, nhờ hỗ trợ của các chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý để con có một môi trường chuyên nghiệp, an toàn bộc lộ câu chuyện của mình.

Nếu trầm cảm ảnh hưởng đến trẻ ở các chức năng, hành vi cuộc sống (mất ngủ kéo dài, thói quen sinh hoạt thay đổi nghiêm trọng, có ý định – kế hoạch tự sát…), cần kết hợp thăm khám giữa bác sĩ tâm thần, bác sĩ nhi và chuyên gia tâm lý.

Tại trường học, thầy cô nên theo dõi, quan tâm và đảm bảo trẻ không bị cô lập. “Sự hỗ trợ và kết nối của nhiều bên sẽ góp phần giúp trẻ nhanh ổn định, phục hồi và có nhiều sự cải thiện trong tâm lý”, thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.

Thúy Quỳnh – Mỹ Ý

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *