Tìm mọi cách ‘mua’ chiều cao cho con
Bé lười ăn, không thích uống sữa nên càng bị ép càng sợ hãi. Ngoài bổ sung sữa, chị Thu còn mua canxi và vitamin D cho con uống hằng này nhưng không thấy rõ hiệu quả. Chị đưa con đi khám dinh dưỡng, bác sĩ kết luận bé nhẹ cân, thiếu hơn 8 cm so với chuẩn chiều cao trung bình ở lứa tuổi này.
Bác sĩ kê đơn điều trị trong 3 tháng, nhưng sau đó bé vẫn thiếu 4 cm so với chuẩn. Mẹ lại nôn nóng tìm mua viên uống bổ sung hormone tăng trưởng chiều cao được quảng cáo “hàng xách tay từ Nhật”. Người bán cho biết “liệu trình dùng 3 viên một ngày, hộp 270 viên uống trong ba tháng, có thể sử dụng ba liệu trình trong một năm, giúp trẻ tăng 3-9 cm”. Thuốc này được giới thiệu giúp bổ sung các chất kích thích sản sinh hormone tự nhiên trong cơ thể, giúp xương dài ra.
Chị Thu bị thuyết phục bởi những tin nhắn “phản hồi của khách hàng” do người bán đưa ra, đơn cử “chỉ uống hai lọ mà cao thêm 3 cm”, hoặc “dùng 6 lọ đã cao thêm 9 cm trong một năm”. Cuối cùng, chị chi 5 triệu đồng, mua 6 lọ dùng một năm, hy vọng giúp con thoát lùn, không phải gánh chịu những thiệt thòi từ thể chất thấp còi như bố mẹ.
“Hiện, con uống hết hai lọ rồi nhưng vẫn không thấy tiến triển đáng kể, tôi rất sốt ruột”, chị nói, thêm rằng đã nhắn tin hỏi người bán nhưng họ giải thích “cơ địa mỗi bé khác nhau, cần thêm thời gian để theo dõi”.
Cũng canh cánh nỗi lo con bị lùn giống bố mẹ, chị Lan, ở Cầu Giấy, liên tục bổ sung các sản phẩm được quảng cáo giúp tăng chiều cao, cho con gái uống từ khi bé 3 tuổi, tốn gần 100 triệu đồng. Trong đó, sữa xách tay và vitamin mua từ Hàn Quốc có giá trên một triệu đồng mỗi hộp. Dù vậy, khi 8 tuổi, bé chỉ cao 115 cm, thiếu 10 cm so với bạn bè cùng trang lứa. Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, TS.BS Trương Hồng Sơn, cho biết con gái chị Lan bị suy dinh dưỡng, là nguyên nhân chính khiến trẻ không đủ chiều cao theo yêu cầu.
“Tôi sợ con sẽ bị bắt nạt hoặc tự ti vì vóc dáng thấp còi”, chị Lan nói, thêm rằng sẽ không bỏ cuộc trong cuộc chiến cải thiện chiều cao cho trẻ.
Trong hai thập niên gần đây, vóc dáng cao lớn được coi là tiêu chuẩn thành công ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Bác sĩ Sơn cho hay chiều cao và thể hình của các thần tượng K-pop là niềm mơ ước của thanh thiếu niên và bố mẹ. Đa số phụ huynh đưa con đến Viện Y học Ứng dụng khám đều nghĩ chiều cao sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con, tạo lợi thế bứt phá cho đứa trẻ.
“Họ mặc cảm về sự thấp lùn của bản thân nên khát khao mãnh liệt tăng chiều cao cho con”, ông Sơn nói, ghi nhận nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi mọi nguồn lực vào những giai đoạn vàng để con cao lớn.
Trong một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Toronto, Canada và Đại học Notre Dame ở Indiana, Mỹ, các nhà kinh tế kết luận rằng những người cao kiếm được nhiều tiền hơn và được chú ý hơn trên các trang web hẹn hò trực tuyến. Theo nghiên cứu này, đàn ông càng lùn thì thu nhập càng thấp. Với phụ nữ, tăng mỗi một inch chiều cao (2,54 cm) sẽ tăng thu nhập khoảng 1%. Nhà văn người Mỹ Malcolm Gladwell cũng tính toán, trong những điều kiện có kiểm soát, cứ mỗi inch chiều cao tăng lên, lương hàng năm của một người tăng thêm 789 USD.
Hiện chưa có thống kê chính xác về số tiền cha mẹ Việt chi để tăng chiều cao cho con, nhưng các bệnh viện ghi nhận số người đưa con đến khám chiều cao ngày càng tăng.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng…
Một nghiên cứu về gene trên 400.000 người, ghi nhận 83 gene ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao. Đây là yếu tố chiếm vai trò quan trọng và có thể thay đổi qua nhiều thế hệ. Ví dụ, người bố cao 170 cm, mẹ cao 160 cm thì về nguyên tắc, chiều cao con trai của họ khi trưởng thành sẽ đạt 171-176 cm, con gái cao 158,5 đến 164 cm. Tuy nhiên, chiều cao có thể phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng, tập luyện…
Về dinh dưỡng, những yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc bao gồm khoáng chất, canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D, K2, hormone, đạm, collagen. Vận động cũng giúp tăng trưởng tầm vóc bởi sẽ tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương. Trẻ tập luyện thể thao sẽ tăng tiết hormone tăng trưởng, phát triển hệ cơ xương và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Thời gian vận động và nghỉ ngơi nên xen kẽ nhau. Nếu trẻ hay mắc bệnh, dùng nhiều các loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh thì tầm vóc cũng bị hạn chế.
“Để trẻ phát triển chiều cao tối đa cần có sự kết hợp của cả các yếu tố, đặc biệt là trong những năm đầu đời hoặc giai đoạn dậy thì”, bác sĩ Sơn nói.
Theo đó, giai đoạn dậy thì được xem là thời gian vàng để trẻ phát triển chiều cao do cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng nhiều nhất. Khi bước qua giai đoạn này và càng lớn tuổi, lượng hormone tăng trưởng mà cơ thể sản xuất ra càng giảm đi. Ngoài ra, trước và trong dậy thì, các sụn ở đầu xương thường mềm, cho phép sự tăng trưởng của xương hoạt động mạnh. Càng lớn tuổi, các sụn này sẽ bắt đầu cứng lại và hợp nhất hoàn toàn với nhau khiến sự phát triển về chiều cao bị chậm lại hoặc kết thúc, không thể tăng trưởng hơn nữa.
Đánh trúng tâm lý phụ huynh muốn tăng chiều cao cho con, nhiều quảng cáo về sản phẩm thuốc, sữa, thực phẩm chức năng chứa hormone tăng trưởng, canxi… xuất hiện tràn lan, khó kiểm chứng. “Lạm dụng các thuốc hoặc thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao sẽ gây tốn kém, dẫn tới tình trạng dư thừa dưỡng chất, có thể gây hại sức khỏe”, ông Sơn cảnh báo.
Các chuyên gia khuyến nghị, để tăng cao tối ưu, trẻ cần có chế độ ăn uống cân bằng. Trong đó, protein (chất đạm) là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển. Chất béo có vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng, tăng cường hấp thu vitamin D và từ đó tăng cường được hấp thụ canxi. Các loại rau và trái cây rất giàu vitamin, khoáng và chất xơ cần thiết giúp trẻ có được chế độ ăn uống lành mạnh. Cần bổ sung các loại ngũ cốc, trứng, sữa.
Trẻ cũng cần hạn chế hoặc tránh thực phẩm có chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa, bão hòa. Không tự ý bổ sung thực phẩm chức năng giúp tăng trưởng chiều cao.
Các hoạt động thể chất cần phù hợp với độ tuổi của trẻ, tạo không khí vui vẻ. Cha mẹ lưu ý nhắc trẻ hạn chế ngồi một chỗ. Tại trường, trẻ đã ngồi học trong khoảng thời gian dài. Khi về nhà, tránh ngồi xem tivi, chơi điện tử, nghịch điện thoại, các thiết bị điện tử… Với trẻ 6-12 tuổi, cần hạn chế thời gian ngồi trước màn hình xuống dưới 2 giờ mỗi ngày.
Ngoài ra, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến chiều cao. Khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone nhiều gấp 4 lần khi thức. Lượng hormone đạt đỉnh vào khoảng từ 22h đến 1h hôm sau. Vì vậy, nên cho trẻ cho đi ngủ sớm lúc 21h-21h30.
Đo chiều dài khi nằm hoặc chiều cao khi đứng của trẻ. Khi phát hiện trẻ có chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm dưới 4 cm/năm, nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt.
Như trường hợp con chị Lan, nhờ khám sớm trước tuổi dậy thì nên có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, giờ giấc, bổ sung các vi chất và khoáng chất thiếu hụt dựa trên xét nghiệm máu cũng như đánh giá khẩu phần ăn. Bác sĩ đưa ra công thức “5+2” (5 ngày thể dục, 2 ngày thể thao cuối tuần) để trẻ tăng cường vận động.
Sau một năm, bé cao thêm 12 cm, trung bình mỗi tháng một cm. Kết quả đo mật độ xương và dự đoán chiều cao tương lai có sự cải thiện rõ rệt. Hiện, trẻ cao 117 cm, xấp xỉ chiều cao trung bình của bé gái 7 tuổi là 120,8 cm.
“Nếu trẻ đáp ứng dinh dưỡng tốt có thể đạt chiều cao tối đa 1,6 m khi trưởng thành”, bác sĩ nói.
Thùy An – Lê Phương