Bậc tiểu học chưa cần quan tâm điểm số, thành tích

Ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu quan điểm trên tại tọa đàm “Để trẻ em Việt lớn lên với tuổi thơ không áp lực”, ngày 13/3.
Theo ông, học sinh ngày càng gặp nhiều áp lực học tập, ngay từ bậc tiểu học, gây ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần. Theo khảo sát của Viện, nhiều học sinh phải học trên 10 tiếng mỗi ngày, thời gian ngủ dưới 8 tiếng. Nguyên nhân lớn nhất là áp lực về điểm số.
Ông Vinh cũng dẫn một khảo sát khác về đánh giá kết quả học tập của học sinh theo 3 nhóm: được đánh giá bằng cách chấm điểm, vừa được chấm điểm vừa được nhận xét, chỉ có nhận xét của thầy cô. Sau một thời gian, nhóm thứ ba cải thiện kết quả học tập tốt nhất.
“Nhóm vừa có điểm số vừa có nhận xét cũng không tốt hơn nhóm học sinh chỉ có điểm số, bởi khi đã có điểm, không còn ai quan tâm đến lời nhận xét”, ông nói.
Đó là lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi cách kiểm tra, đánh giá đối với bậc tiểu học theo hướng không dùng điểm số, theo ông Vinh. Tuy nhiên, điều này gây áp lực cho thầy cô, nhà trường khi phụ huynh đòi hỏi phải có điểm số, và chỉ hài lòng khi thấy con đạt 9-10.
Ông Vinh cho rằng việc phụ huynh muốn con mình toàn đạt 9-10, đạt giải thưởng ở các cuộc thi Toán học, Tiếng Anh hay STEM, không phải là kỳ vọng cao.
“Chúng ta đã có quá nhiều học sinh đạt thành tích cao, toàn điểm 10 nhưng về sau không thành công như những học sinh điểm không tốt. Vì vậy, điểm số không phải là tất cả”, ông cho hay. “Điều quan trọng là đứa trẻ phát triển tự tin, có nền tảng tốt nhất để bước đi đường dài chứ không phải bước đi nhanh nhất trong giai đoạn đầu tiên”.
Chuyên gia này nhấn mạnh bậc tiểu học là bậc học nền tảng của một đứa trẻ, nhưng không phải bậc học để nhồi nhét nhiều kiến thức nhất có thể.
“Bậc tiểu học không phải câu chuyện kiến thức, thành tích, điểm số, mà là bậc học để rèn luyện những phẩm chất, tính cách, thái độ, để các con vững vàng bước trên đường đời”.
Nhiều chuyên gia, giáo viên đồng tình với quan điểm của ông Vinh.
Ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cũng chỉ ra thực trạng nhiều phụ huynh tạo áp lực cho con phải đạt điểm số cao, thành quán quân trong các cuộc thi, gây ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần. Ông cho rằng điều này có thể được coi là vi phạm quyền trẻ em.
Để giảm áp lực học tập cho trẻ, ông Bốn nhìn nhận ngoài nhà trường, phụ huynh cần phải hiểu và thực hiện đồng bộ, hài hòa các quyền của trẻ em, hiểu cách đánh giá năng lực, năng khiếu của con, không chạy theo phong trào, lạm dụng quyền cha mẹ để gây áp lực.
TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Giáo dục phổ thông, cũng đồng tình rằng phụ huynh phải hiểu mục đích cuối cùng là để con có cuộc sống hạnh phúc.
“Điều đó không phải là con thi được giải nọ giải kia, mà là con được thoải mái sáng tạo, phát huy năng lực”, ông Trí nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, áp lực tồn tại là đương nhiên. Vì vậy, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực chịu đựng áp lực của trẻ.
“Việc định nghĩa áp lực là xấu, tìm mọi cách để nó không xuất hiện thì sẽ càng áp lực hơn. Chúng ta nên công nhận đó là chuyện đương nhiên và phải nâng cao khả năng chịu áp lực thì con mới phát triển toàn diện”, ông Nam nói.
Chuyên gia này gợi ý các nhà trường cùng phụ huynh cần trang bị cho con kỹ năng giải quyết vấn đề, ứng xử với thất bại, năng lực phục hồi.
Dương Tâm – vnexpress
Nguyên nhân là các trường chuyên cấp THCS trá hình dưới dạng Trường Điểm mà địa phương nào cũng mở ra, để vào được các trường này thì xét tuyển đầu vào vòng gửi xe là lớp 4 và 5 phải 10 điểm hết, tiếp đến là các loại chứng chỉ, giải thưởng các cuộc thi cấp tiểu học, làm bài đánh giá tư duy,… Phụ huynh nào cũng muốn con vào các trường như thế này nên mới dẫn tới việc các cháu tiểu học phải ôn luyện như thi đại học. Bộ giáo dục đào tạo quyết liệt loại bỏ các trường điểm tại các địa phương, xếp lớp cấp 2 dựa trên khoảng cách từ nhà tới trường (nhà thực ở với sự chứng thực của công an khu vực). Như vậy mới bỏ được vấn nạn chạy theo thành tích của bậc tiểu học.
Tiểu học không cần nặng thành tích là đúng đấy. Các con cần vui chơi và cho trải nghiệm cuộc sống. Các bạn hãy nghĩ lại mình khi xưa mà xem. Như mình, là nữ, ngoan, chăm, hiền nhưng hơi nhút nhát (thầy cô ghi trong sổ học bạ luôn). Cấp 1 học giỏi lắm. Lên cấp 2 học vẫn giỏi vì chăm chỉ (chứ không thông minh, mình thiên về các môn nghệ thuật và ngôn ngữ). Lên cấp 3 thì điểm kém hơn cấp 2. Do mình ráng học đều các môn và khi thi đại học thua hẳn các bạn mang tiếng “học dốt” trong lớp. Mấy bạn học sinh trung bình đó vừa học vừa chơi, còn mình học chậm nên chăm chỉ cũng chỉ ráng khá đều các môn. Các bạn học lệch, 3 môn thi đại học của các bạn ấy lại cực siêu, bị trung bình chỉ vì mấy môn còn lại thôi. Sau mấy bạn thi đại học điểm rất cao và thành công hơn mình (mình tự so sánh).
Mình nghĩ, mỗi người có thế mạnh riêng, chẳng cần phải học sinh giỏi làm gì. Cứ học thật siêu vài môn thế mạnh thôi là được. Còn đòi đạt danh hiệu thì phải học đều các môn, mệt mỏi lắm, toàn lý thuyết.
Tôi chỉ mong sao giáo dục các cháu không ích kỷ (biết nhường nhịn, giúp đỡ người yếu thế), không vô kỷ luật (hẹn đúng giờ, tuân thủ giao thông, giữ vệ sinh môi trường), không khôn lỏi (phần nhẹ giành mình, công lại đòi cao, đi ngang về tắt).
Nói chung bậc tiểu học nên rèn luyện trẻ em thành người tử tế đã. Còn người giỏi, người tốt, người thành đạt thì từ từ.
Mình rất đồng quan điểm với bài viết. Tuy nhiên, mình thấy đối với học sinh tiểu học thì bố mẹ mới là đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất đến các cháu. Bố mẹ tâm lý, thành công thì mới dạy con tự tin mạnh mẽ được, còn bố mẹ thất bại, áp đặt thì con mới hay bị khủng hoảng, stress thôi. Mình rất nể phục các cháu có ý chí, vượt lên hoàn cảnh, vì mình tin bộ gen tốt, môi trường giáo dục tốt đã tạo lên 80% sự thành công của 1 người rồi.