Cơm ‘treo’
Đầu tháng 5, chị tình cờ xem được đoạn video về cậu bé bán vé số đến nhận cơm trước quán ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM. Quán này triển khai hình thức cơm “treo”, tức khách đến trả tiền thêm suất nữa nhưng họ không dùng mà dành tặng người khó khăn đến sau.
“Tôi xúc động trước nét mặt vui mừng của cậu bé”, Thy nói.
Tuần hai lần, cô ghé quán cách nhà hai km để ăn tối sẵn ủng hộ hai đến bốn phần cơm. Có hôm, Thy không ăn nhưng vẫn tạt qua gửi tiền “treo” cơm.
Chiều cuối tháng 4, anh Long Hoàng, 31 tuổi, cũng chạy xe 10 km đến quán cơm gà nướng quận Bình Thạnh, TP HCM để dùng bữa, sẵn tiện “treo” cơm. Anh biết đến hình thức này thông qua bài viết trên mạng xã hội.
“Tôi thấy hình thức hay và ý nghĩa”, anh nói. “Vừa giúp đỡ được người khó khăn, vừa hỗ trợ chủ quán bán được phần ăn”.
Hoàng nhờ chủ quán “treo” mỗi ngày một hộp cơm, gửi cho trẻ em hoặc người lao động lớn tuổi ngang qua quán. Mỗi quý, anh gửi quán khoảng ba triệu đồng.
Cơm “treo” là hình thức phỏng theo mô hình suspended coffee bắt nguồn từ Napoli, Italy, đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đói nghèo gia tăng. Hành động trả tiền trước để mời cà phê một người xa lạ được xem như cách từ thiện ẩn danh, chia sẻ gánh nặng cuộc sống với người nghèo.
Một tháng qua, ở TP HCM đã xuất hiện vài quán ăn triển khai hình thức cơm tương tự. Khách “treo” cơm thường không để lại danh tính, trả thêm phần ăn để mời người xa lạ đến sau.
Thành Công, 23 tuổi, chủ quán cơm tấm ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, bắt đầu triển khai hình thức này từ đầu tháng 5. Anh đặt thùng nhựa giữ nhiệt trước cửa quán, đóng biển có nội dung “Cơm treo gửi tới cô chú khó khăn. Mở lên, nếu có cơm hãy lấy một phần”. Trong quán cơm 80 m2, Công dán trên tường ba tờ thông tin giải thích về hình thức.
Ban đầu, khách ngạc nhiên nhưng sau đó nhiều người tìm đến ủng hộ. Mỗi ngày, quán có khoảng 5-8 phần cơm “treo”, theo giờ mở cửa 16h30 đến 12h.
Suất cơm sườn có giá 35.000 đồng nhưng cơm “treo” quán bán giá hỗ trợ 20.000 đồng. Ngày không có, quán tự bỏ thêm vào thùng. Khách đến nhận là trẻ em, người già bán vé số, nhặt ve chai, bán hàng rong ngang qua.
“Cơm ‘treo’ là ngẫu nhiên, cũng không phải là hình thức phát từ thiện định kỳ nên người nhận không bị ngại”, Công nói.
Trong số khách nhận có bé Đức, 5 tuổi, cùng bà ngoại tên Hồng, 61 tuổi. Bà mắc bệnh thận, bán vé số nuôi hai cháu trai. Ban đầu, bà ngại do còn sức lao động nhưng được chủ quán giải thích cơm được khách mời, không phải từ thiện nên mới nhận.
Riêng Đức thích ăn cơm sườn nhưng gom 2.000 đồng, 5.000 đồng gần tháng mới được một suất ăn. Vì vậy, mỗi ngày em bán vé số đều ngang qua quán lấy cơm “treo”.
“Con cảm thấy rất vui”, em nói.
18h chiều 28/5, ông Phạm Cao, 61 tuổi, sống cách quán ba km cũng tranh thủ ghé qua. Vợ ung thư qua đời, ruộng vườn bán hết, ông từ Sóc Trăng lên TP HCM mưu sinh khoảng bốn tháng.
Mỗi ngày, ông đạp xe bán vé số được 120.000 đồng nhưng phải trích ra 80.000 đồng tiền thuốc viêm khớp. Do đó, ông Cao chỉ dám ăn một bữa trong ngày, thường là bánh mì hoặc mì gói.
Đầu tháng 5, ông tình cờ phát hiện hình thức “treo” cơm bởi được chủ quán mời vào nhận.
“Đó là hộp cơm ngon nhất từ khi tôi lên Sài Gòn đến giờ”, ông nói.
Ngọc Ngân