Khởi nghiệp từ muối thực vật

Vườn ô rô, sơ ri của Nhựt ở huyện Phú Tân rộng 10.000 m2, cung cấp nguyên liệu để muối thực vật và một số thực phẩm chức năng. Đây cũng là điểm tựa để Nhựt phát triển thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam chuyên phát triển về nông nghiệp mặn thích ứng biến đổi khí hậu.
Có niềm đam mê với nông nghiệp từ bé, nên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Cơ khí, Nhựt tiếp tục học kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật ở TP HCM. Trong thời gian này, anh vừa học vừa nghiên cứu trồng cây chịu mặn như phì diệp biển, sam biển ở Nhà Bè để làm muối.
Theo Nhựt, khác với muối ăn thông thường, muối thực vật được chiết xuất từ các loại rau củ quả tự nhiên, không chứa chất bảo quản. Để có được muối thành phẩm, nguyên liệu sẽ được sơ chế, sau đó sử dụng nước tinh khiết để chiết xuất các khoáng chất tự nhiên rồi cô đặc và kết tinh thành dạng muối.
Muối thực vật được các bác sĩ khuyên dùng do có hàm lượng natri thấp hơn muối ăn và chứa nhiều kali, giúp cân bằng huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, loại muối này còn có lượng magie dồi dào, tăng cường chức năng tim, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ…
Sau khi tốt nghiệp, Nhựt làm nhiều công việc tại TP HCM để tích lũy kinh nghiệm nhưng vẫn nuôi ý định trồng và phát triển sản phẩm từ những loài thực vật chịu mặn. Năm 2019, anh cùng một người bạn người Mỹ gốc Việt thực hiện dự án hoàn toàn mới và xa lạ với tên gọi “trồng cây tưới bằng nước mặn”.
Nhóm của Nhựt đi khắp các tỉnh ven biển để điều tra, sưu tầm những loài thực vật có thể phát triển được lại có dinh dưỡng cao. Nhựt phát hiện hơn 30 loài cây chịu mặn với dược tính có thể phát triển. Dự án này sau đó đã giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 do VCCI tổ chức và nhiều giải thưởng lớn khác.
Với nền tảng đó, Nhựt dùng vốn tích lũy nhiều năm và tiền từ các giải thưởng để xây dựng thương hiệu chuyên về lĩnh vực nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Tháng 6/2022, anh đầu tư gần 3 tỷ đồng cải tạo 10.000 m2 phần đất của gia đình ở huyện Phú Tân trồng cây ô rô, quao để làm nguyên liệu.
Để có căn cứ khoa học, đảm bảo quy trình sản xuất chuẩn, an toàn cho người tiêu dùng, Nhựt bỏ ra số tiền lớn thuê chuyên gia nghiên cứu hoạt tính của các loài thực vật này. “Khi nắm rõ đặc tính, hiệu quả của từng loại tôi mới có đủ căn cứ để tư vấn cho khách hàng”, Nhựt nói, cho biết anh mất khoảng 2 năm cho quá trình này.
Ô rô là loài cây thường được tìm thấy ở các vùng đất ven biển và khu vực bãi triều, có khả năng sống trong môi trường nước mặn. Cây ô rô có thân cao 1-2 m, lá to và dày, hình thù như chiếc rìu với nhiều gai nhọn bên cạnh. Theo nghiên cứu, lá ô rô chứa các hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm, giúp phòng chống các bệnh nhiễm trùng và viêm nhiễm. Ngoài ra, cây còn có tác dụng làm giảm đau và hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp, tiêu hóa và tim mạch.
Năm 2023, Nhựt thu hoạch lứa ô rô đầu tiên, làm muối thực vật. Rút kinh nghiệm của loại muối từ cây sam biển, phì diệp biển trước đó màu sắc không đẹp, Nhựt không chỉ chú trọng chất lượng mà còn về màu sắc. Những ký muối làm từ cây ô rô có màu trắng rất đẹp, hậu vị không đắng, chứa hàm lượng i ốt, vitamin và khoáng chất vượt trội, được khách hàng đón nhận tích cực.
“So với một số loại cây khác, làm muối từ ô rô cho hiệu suất cao hơn 3-4 lần”, Nhựt nói, cho biết ô rô là loài có sức sống mãnh liệt, có thể phát triển tốt hàng chục năm trong điều kiện nước mặn. 10 kg ô rô tươi sẽ cho ra khoảng 200 gram muối. Anh bán muối với giá 150.000 đồng mỗi túi 250 gram.
Đến nay, Nhựt đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư máy móc hiện đại sản xuất muối thực vật, thực phẩm chức năng từ cây ô rô; nước ép sơ ri; mật ong rừng U Minh tách nước,… Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Một số đối tác đã đề nghị đưa các sản phẩm từ thực vật chịu mặn phân phối ở các nước Úc, Canada, Mỹ.
“Riêng muối thực vật, mỗi tháng tôi sản xuất khoảng 100 kg, lợi nhuận hơn 25 triệu đồng. Nhà xưởng mới đang hoàn thiện, dự kiến có thể tăng sản lượng các sản phẩm gấp 3 lần”, Nhựt nói, cho biết muối làm không đủ bán nên anh dự định liên kết nông dân địa phương mở rộng vùng nguyên liệu.
Ông Quách Văn Ấn, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau cho biết tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn, nhất là hình thức nuôi quảng canh diện tích bờ lớn mà chưa được khai thác hết. Do đó, định hướng phát triển loại thực vật chịu mặn là rất sáng tạo và có tiềm năng tốt để phát triển tài nguyên bản địa.
“Các sản phẩm của anh Nhựt nghiên cứu cũng được ngành chức năng tỉnh hỗ trợ trong quảng bá, kết nối các thị trường tiêu thụ, bước đầu đã được khách hàng đón nhận tích cực”, ông Ấn nói.
Chúc Ly