Những người thờ ơ với 8/3
Chàng trai 21 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội luôn được dạy ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 là ngày ủng hộ quyền bình đẳng giới. Trong ngày này, phụ nữ cần được xã hội quan tâm, bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong năm. Nhưng Hưng lại cho rằng sự quan tâm và tôn trọng là cả quá trình lâu dài, không chỉ trong một ngày.
“Phụ nữ giống như bông hoa, không thể tươi đẹp nếu chỉ được chăm sóc một, hai lần trong năm, mà phải từng ngày, từng giờ”, Hưng nói. Chàng trai khẳng định yêu thương không cần đợi đến ngày lễ, tặng hoa không chờ đến dịp và nhắn tin không cần có lý do.
Đây cũng là nguyên nhân nhiều năm Hưng không tặng quà cho bà, mẹ vào ngày 8/3. Bù lại khi về quê, cậu luôn chủ động vào bếp hoặc tìm mua các món quà thiết thực dành tặng mọi người mỗi khi nhận lương làm thêm hàng tháng.
Việt Tú, 27 tuổi, nhân viên ngành công nghệ thông tin tại TP HCM coi 8/3 như một ngày bình thường. Theo anh, việc mua hoa quà dịp này chỉ là chiêu trò kinh doanh của các cửa hàng để đẩy giá hoặc do tâm lý đám đông. Chính suy nghĩ này khiến Tú bị vợ bị cằn nhằn, nói khô khan nên mỗi lần về nhà anh luôn cảm thấy nặng nề, bức bối.
“Tôi không thích tặng quà nếu bị ép buộc. Hơn nữa trong năm cũng có nhiều dịp để vợ chồng kỷ niệm, không cứ đúng 8/3 bởi ở đâu cũng vừa đông vừa đắt”, Tú nói.
Theo anh, “cằn nhằn” chỉ nên xảy ra với những người không quan tâm đến vợ con. Quà tặng khi đó giống như phần thưởng mỗi năm chỉ có một lần giúp chị em được “nở mày nở mặt” để rồi những ngày sau lại một mình tất bật việc nhà, vừa đi làm vừa chăm con. Còn nếu có tấm lòng, có cả ngàn cách để bày tỏ, không nhất thiết phải tặng quà vào đúng dịp lễ.
Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội, tâm lý không thích ngày 8/3 của một số đàn ông là điều có thể hiểu được.
Ngày 8/3 ra đời từ phong trào quốc tế đấu tranh vì sự bình đẳng phụ nữ, xuất phát từ Đại hội phụ nữ quốc tế xã hội chủ nghĩa họp tại Đan Mạch năm 1910 với khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ – Việc làm ngang nhau – Tiền lương ngang nhau – Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Ngày này vì thế nhắc nhở mọi người rằng phụ nữ còn nhiều thua thiệt, xã hội phải làm nhiều điều hơn nữa để thúc đẩy bình đẳng giới, cũng như ghi nhận sự hy sinh của họ.
Tuy nhiên ý nghĩa của ngày này đã khác xưa, phụ nữ Việt đã được đối xử công bằng hơn. Vai trò của họ ngày càng được đề cao, thoát ra khỏi khuôn khổ gia đình. Nhiều người cho rằng, nếu tôn vinh sự hy sinh là một phẩm chất cao đẹp chẳng khác gì khuyến khích phụ nữ tiếp tục hy sinh. Nếu như vậy xã hội lại dìm họ sâu hơn trong việc chấp nhận cam chịu những thiệt thòi.
“Do đó việc tồn tại một ngày kỷ niệm dành riêng cho phụ nữ theo nhiều người là chưa thể đạt tới bình đẳng giới một cách trọn vẹn “, bà Hương nói.
Một khảo sát hồi đầu tháng 3 của VnExpress ghi nhận gần 70% độc giả cho rằng có nhiều cách thể hiện tình cảm, không nhất thiết phải chọn những dịp như 8/3. Các bài viết trên mạng xã hội chia sẻ về chủ đề này cũng nhận nhiều quan tâm. Đa phần ý kiến cho rằng ngày này hiện nay mang tính hình thức, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng có ba lý do chính khiến một số đàn ông thờ ơ với ngày 8/3.
Đầu tiên, các hoạt động tập thể chào mừng ngày lễ này từ nhà trường, nơi ở đến chỗ làm thường lặp đi lặp lại, mang tính hình thức, dễ gây nhàm chán. Hai là, các hoạt động được tổ chức tri ân thường yêu cầu phụ nữ phải làm nhiều việc hơn như trình diễn văn nghệ, thi nữ công gia chánh khiến họ cảm thấy mệt mỏi thay vì được tôn vinh. Bên cạnh đó, giá bán hoa, quà tăng cao khiến nhiều người than phiền vì sự tốn kém.
Dù là nữ giới nhưng Thu Lan, cán bộ công chức tại Thái Bình cũng không hào hứng với 8/3. Thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn trong ngày này, trước đó cả tuần cô gái 25 tuổi phải tập văn nghệ, may áo dài cho cuộc thi nét đẹp công sở, có năm còn tranh tài nấu ăn trong cơ quan hoặc phải ngồi dự tọa đàm tôn vinh phụ nữ.
“Chẳng hứng thú gì, chỉ rước thêm mệt mỏi. Đầu năm vốn nhiều việc lại phải tốn thời gian cho những hoạt động sáo rỗng”, Lan nói.
Để tránh rơi vào trạng thái chán nản như Lan, chuyên gia Vũ Thu Hương cho rằng không nhất thiết có một ngày lễ tặng quà, nhưng cần một ngày để xã hội cùng ngẫm lại giá trị của người phụ nữ trong gia đình. Điều này sẽ tạo cho họ có nhiều cơ hội để phấn đấu và tự khẳng định vị trí của mình.
Chuyên gia Nguyễn Thị Minh khẳng định tặng hoa, quà chỉ là một hình thức. Theo bà, có những người chồng không tặng hoa, không nói những lời có cánh nhưng biết tôn trọng vợ, cùng bạn đời nỗ lực nuôi con, tạo dựng gia đình ấm êm. Dù không hoa, không quà thì người phụ nữ ấy vẫn hạnh phúc, bởi điều lớn nhất họ nhận được là tình yêu và tinh thần trách nhiệm của người chồng. Còn nếu tặng đầy đủ nhưng bỏ bê vợ con, thậm chí có thái độ, hành động không đúng mực, hoa hay quà đều không có ý nghĩa.
“Hoa tươi qua ngày cũng héo, quà tặng dùng nhiều cũng hết, chỉ còn tấm chân tình ở lại”, bà Minh nói.
Hải Hiền – Quỳnh Nguyễn