Phụ huynh đối phó với ‘kế hoạch nhỏ’
Chị Thanh Hương, có con học lớp 1 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, kể, hồi tháng 3, trường yêu cầu mỗi học sinh nộp 20 vỏ lon cho phong trào Kế hoạch nhỏ, thời hạn trong ba ngày.
Vì đã dọn dẹp nhà cửa, lại ngại xin hàng xóm, chị ra quán lẩu gần nhà mua lại 30 vỏ lon nước ngọt để con nộp, thừa chỉ tiêu cô giao. “Giá 30 lon là 15.000 đồng. Thôi bỏ tiền luôn cho đỡ mệt, chứ gom rồi đi xin bao giờ cho đủ”, chị kể.
Nhiều trường học ở Hà Nội đang phát động phong trào Kế hoạch nhỏ. Hôm 11/4, một trường THCS ở Hoàng Mai gây xôn xao khi có giáo viên yêu cầu mỗi học sinh nộp đủ 2 kg giấy vụn, em nào thiếu phải gọi phụ huynh mang đến. Còn không, học sinh nộp phạt 50.000 đồng/kg.
Anh Đăng Nguyên, phụ huynh lớp 3 ở Bà Rịa – Vũng Tàu, từng phải giúp con khi lớp phát động phong trào này. Cuối năm ngoái, lớp con anh phát động mỗi học sinh nộp 3 kg giấy, từ ngày 4 tới 7/12. Tuy nhiên, chiều 6/12, cô chủ nhiệm mới báo cho phụ huynh.
Cả anh Nguyên và vợ đều làm văn phòng, việc gom giấy không quá khó khăn nhưng cũng phải mất vài ngày mới đủ. Vì gấp, anh đành ra hàng phế liệu mua để con mang đi nộp.
“Bố mẹ mua giấy của hàng phế liệu, con đem lên trường nộp, cuối cùng vẫn lại bán cho hàng phế liệu, nghĩ cũng buồn cười”, anh Nguyên chia sẻ.
Trên các diễn đàn phụ huynh, hàng trăm người nói từng giúp con “đối phó” với những lần làm “kế hoạch nhỏ”. Có người bức xúc vì không uống bia, nước ngọt nhưng trường yêu cầu nộp vỏ lon; có trường thì áp đặt định mức giấy vụn, bố mẹ muốn nộp tiền cũng không xong; có trường trách phạt học sinh, tính điểm thi đua…
Phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và Hải Phòng, để xây dựng nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong. Các hoạt động chủ yếu là thu gom giấy, phế liệu, trồng cây, nuôi gia cầm…
Phong trào sau đó được mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong thiếu nhi. Nhiều công trình như Khách sạn Khăn quàng đỏ, tượng đài và khu di tích Kim Đồng, nhà tưởng niệm anh hùng Võ Thị Sáu… được xây dựng từ phong trào này.
Dù vậy, sau gần 70 năm, nhiều người cho rằng phong trào không phù hợp với thực tế, nên thay đổi cách làm, thậm chí bỏ. Theo một khảo sát của VnExpress, 92% trong 1.150 người chọn phương án “bỏ”.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng tình. Ông cho rằng các hoạt động của phong trào chỉ giữ được hình thức. Thực tế, việc thu gom giấy không giúp học sinh biết tiết kiệm, rất hiếm trẻ giữ lại 1-2 tờ giấy sau mỗi lần dùng, gom cho đủ 2 hay 3 kg. Thay vào đó, người thực sự làm “kế hoạch nhỏ” lại là phụ huynh.
Chưa kể, nhiều hoạt động, môn học khác cũng dạy học sinh tiết kiệm, yêu lao động và bảo vệ môi trường như STEM, STEAM; đi trải nghiệm, ngoại khóa. Theo ông Nam, những hoạt động này “còn ý nghĩa hơn nhiều” việc thu gom giấy vụn, chai lọ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội, cũng cho rằng “kế hoạch nhỏ” không còn phù hợp. Các gia đình hiện không có thói quen tích trữ vỏ lon hay giấy vụn vì vừa chật nhà, lại mất vệ sinh.
Trường của bà cũng không mặn mà mỗi lần phát động phong trào. Theo hướng dẫn, giấy và vỏ lon sau thu gom sẽ được thu mua trực tiếp tại trường. Liên đội trường được giữ lại 75% (khoảng vài trăm nghìn đồng) để mua sắm tài liệu, khen thưởng học sinh, còn lại nộp về Hội đồng Đội cấp trên.
Để triển khai, trường phải lên kế hoạch, rồi phân công giáo viên tiếp nhận, phân loại giấy, chai lọ mà học sinh mang đến. Nếu không khéo léo trong tổ chức, phụ huynh dễ phản ứng.
“Vừa mất thời gian, hiệu quả lại không cao, gây mệt mỏi cho cả phụ huynh và nhà trường”, bà đánh giá.
Thực tế, theo Hội đồng Đội trung ương, nhiều địa phương, trường học có cách làm phong trào Kế hoạch nhỏ sáng tạo, hiệu quả, được sự ủng hộ, như mô hình “Vườn rau em chăm”, “Xe đạp giúp bạn đến trường”, “Túi gạo tặng bạn”, “Một triệu cuốn vở tặng bạn”…
Chị Thúy Liễu, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, cũng cho rằng phong trào Kế hoạch nhỏ có hình thức hay không do cách nhìn của mỗi người. Chị thường chuẩn bị sẵn thùng carton đựng giấy vụn ở nhà, nhắc con gái lớp 5 giữ lại giấy đã nháp xong. Chị cũng thỉnh thoảng gom tài liệu, giấy thừa ở chỗ làm mang về.
“Mức 2 hay 3 kg giấy cũng không quá nhiều, nếu phụ huynh nhắc được con làm cùng thì cũng không bị áp lực”, chị Liễu nói.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận qua thời gian, phong trào Kế hoạch nhỏ ít nhiều mất đi ý nghĩa ban đầu. Chẳng hạn giáo viên phạt tiền học sinh nộp thiếu, hay phụ huynh quy đổi ra tiền để nộp thay. Tuy nhiên, chuyện bỏ hay giữ phong trào này phụ thuộc vào sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh.
Theo ông, các trường nên phổ biến cho cha mẹ và học sinh, để các em có ý thức chuẩn bị từ sớm. Đồng thời, trường phải giải thích ý nghĩa của hoạt động, nghe phản ánh của phụ huynh để điều chỉnh cách triển khai nếu cần thiết.
“Nếu không thống nhất, lại thấy hoạt động không hiệu quả, trường có thể báo cáo cấp trên để dừng triển khai”, ông Ngai nói. “Còn nếu đã làm, phải để phụ huynh và học sinh tự nguyện, không đưa vào thi đua, trách phạt”.
Việc dừng hay tiếp tục phong trào Kế hoạch nhỏ từng được bàn đến từ năm 2013, theo ông Bùi Mạnh Hướng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội thành phố Hà Nội.
Ông Hướng cho hay lúc đó, phần lớn ý kiến thống nhất giữ lại, vì phong trào có nhiều dấu ấn và tính lan tỏa. Từ năm 2013 đến 2018, thiếu nhi cả nước gom được hơn 7 triệu tấn giấy vụn, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Trước phản ứng từ dư luận, ông Hướng cho biết thời gian tới, Hội đồng Đội Trung ương sẽ đánh giá thêm về chương trình này.
“Tôi sẽ báo cáo trong các hội nghị để hoạt động phù hợp với hiện tại hơn”, ông Hướng nói.
Bình Minh – Thanh Hằng